Close

Ngành kiểm thử phần mềm ở Việt Nam và những bí quyết thành công trong nghề

Đầu tiên, bạn phải tự hào là một tester. Điều quan trọng nhất là các bạn phải hiểu được các bạn không chỉ đơn thuần là “tester” mà là các bạn là một kỹ sư kiểm thử phần mềm.” - Huỳnh Công Thành, sáng lập VNTesters- Diễn đàn của cộng đồng kỹ sư kiểm thử Việt Nam. WP_20140323_004 Xuất hiện tại Techcamp 2014 với chủ đề “Những ngộ nhận phổ biến về ngành kiểm thử phần mềm” (Common misperceptions in software testing), Huỳnh Công Thành với bài thuyết trình của mình đã thu hút được lượng lớn người quan tâm đến lĩnh vực kiểm thử phần mềm, vốn còn khá mới mẻ và vẫn chưa được cộng đồng chú ý đến. Thông qua bài thuyết trình, Công Thành kêu gọi mọi người quan tâm và có nhận thức đúng đắn về ngành này.

 

Trong nội dung bài phỏng vấn này, Huỳnh Công Thành sẽ tiếp tục chia sẻ về tổng quan ngành kiểm thử (testing) ở Việt Nam cũng như những bí quyết để có thể thành công trong nghề kiểm thử: Mặc dù một số ý kiến còn mang tính chủ quan, tuy nhiên, bài phỏng vấn phản ánh góc nhìn từ chính người trong cuộc, từ đó độc giả sẽ có sự thấu hiểu sâu sắc hơn về ngành kiểm thử phần mềm tại Việt Nam

 1. Xin chào Huỳnh Công Thành, anh có thể chia sẻ đôi chút về bản thân cũng như lĩnh vực mình đang công tác?

 Thành có gần 8 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kiểm thử phần mềm trong cả vai trò kỹ sư kiểm thử cũng như trưởng nhóm kiểm thử phần mềm trong các công ty công nghệ thông tin của TP. Hồ Chí Minh như LogiGear, FPT Software, Datalogic, trải nghiệm lĩnh vực kiểm thử phần mềm trong cả dự án outsource (cung cấp dịch vụ) cũng như những dự án nội bộ (sản phẩm). Ngoài công việc toàn thời gian, Thành cũng dành nhiều thời gian cho các hoạt động liên quan đến lĩnh vực kiểm thử phần mềm khác. Thành hiện đang cộng tác với một vài người bạn thành lập và phát triển cộng đồng kỹ sư kiểm thử Việt Nam VNTesters, nơi chia sẻ những kinh nghiệm có được với những người mới vào nghề cũng như học tập kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Ngoài ra Thành cũng tham gia tích cực các sự kiện có liên quan đến lĩnh vực công nghệ nói chung và kiểm thử nói riêng như VISTACON, TechCamp Saigon 2014 và các nhóm thảo luận trên mạng xã hội LinkedIn.

2. Nhận định của anh về ngành testing nói chung và software testing nói riêng?

 Thực ra thì ngành kiểm thử này đã xuất hiện khá lâu, vào khoảng những năm đầu của thế kỷ trước và được áp dụng vào lĩnh vực phát triển phần mềm không lâu sau đó. Tại Việt Nam nói riêng, kiểm thử phần mềm đã và đang phát triển khá mạnh trong khoảng chục năm trở lại đây. Công nghệ thông tin Việt Nam nói chung và phát triển phần mềm nói riêng đang có những bước phát triển tốt và sinh động. Đơn cử như công ty đầu tiên mà Thành làm việc (LogiGear) ban đầu chỉ khoảng vài chục kỹ sư kiểm thử nhưng sau vài năm con số đó đã lên vài trăm. Một số công ty khác đều đặt mục tiêu phấn đấu tăng gấp đôi con số kỹ sư kiểm thử trong vòng 1 năm. Nhiều công ty mở rộng thêm chi nhánh ở Hà Nội, Đà Nẵng để đáp ứng nhu cầu về kỹ sư kiểm thử. Tương tự, rất nhiều thông báo tuyển dụng kỹ sư kiểm thử với số lượng lớn trên các website tuyển dụng với những ưu đãi hấp dẫn. Tuy nhiên, có một thực tế là ngành kiểm thử phần mềm ở Việt Nam đã đi sau nhiều nước khác.

 Theo đánh giá của Thành thì về cơ bản VN đang kém về cả số lượng lẫn chất lượng. Về mặt số lượng thì không có gì phải bàn cãi nếu so với Mỹ, Ấn Độ hay Trung Quốc. Về mặt chất lượng thì ở Việt Nam chủ yếu là các dự án outsource mà đa phần các dự án này chủ yếu tập trung những vào những công việc low-level (cấp thấp) như thực thi test case (tình huống kiểm tra, được thiết kế để kiểm tra một đối tượng có thỏa mãn yêu cầu đặt ra hay không), regression test. Những đầu việc high-level (cấp cao) như lên kế hoạch test, quản lý test, review (kiểm tra) kết quả test đều được quản lý bởi khách hàng nước ngoài. Đó là các nguồn dự án đến từ nước ngoài, còn đối với các dự án nội bộ thì gần như bỏ qua khâu kiểm thử hoặc làm cho có. Trong các diễn đàn về kiểm thử phần mềm, mọi người đều nhận thấy kiểm thử phần mềm như một phần tất yếu của phát triển phần mềm và tập trung hướng đến nâng tầm giá trị của kiểm thử trong khi hiện tại Việt Nam vẫn loay hoay với vấn đề là “có nên” hay “không” vì quá tốn kém. Dĩ nhiên ở Việt Nam cũng nhiều công ty đảm nhận những dự án lớn, có giá trị cao nhưng số lượng đó vẫn còn rất ít và Thành nghĩ đây là thời điểm cần phải tăng tốc để bắt kịp trình độ của thế giới.

 3. Theo anh, những người tham gia kiểm thử phần mềm đa phần là được đào tạo chuyên về ngành này hay do chỉ là nghề tay trái. Hiện tại có tổ chức nào đào tạo về ngành này không ạ?

 Đa phần những người làm kiểm thử phần mềm mà Thành biết đều không được đào tạo chuyên ngành. Điều thú vị là phần lớn trong số họ có chuyên ngành đào tạo về phát triển phần mềm, khoa học máy tính, điện tử viễn thông, mạng máy tính, một số khác từ chuyên ngành tiếng Anh, kinh tế. Sở dĩ có điều đó là về cơ bản kiểm thử phần mềm khá dễ tiếp cận vì không quá xa lạ với dân công nghệ thông tin. Còn về tổ chức đào tạo kiểm thử phần mềm thì hiện tại, theo như Thành biết, bộ môn Software Testing đã bắt đầu được giảng dạy trong một số trường đại học cũng như ở những trung tâm đào tạo tin học. Chứng chỉ quốc tế về kiểm thử phần mềm thì trên thế giới có nhiều nhưng ở Việt Nam thì có ISTQB. Một điều cần lưu ý là các khóa đào tạo ngắn hạn hay chứng chỉ quốc tế chỉ giúp bạn có nền tảng về kiểm thử phần mềm, việc bạn có thành công với kiểm thử phần mềm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

 4. Trong bài viết trên diễn đàn VNTesters anh đã đề cập về 5 ngộ nhận về ngành kiểm thử phần mềm, theo anh ngộ nhận nào tác động mạnh nhất đến ngành này?

Theo Thành, sự ngộ nhận về việc “kiểm thử phần mềm ai làm chẳng được” là tác động mạnh nhất. Đó cũng có thể lí giải cho việc đa phần các bạn khi đến với ngành kiểm thử đều không được đào tạo trước đó hoặc phần lớn là lập trình viên chưa tìm được việc phù hợp. Rất ít các bạn có định hướng trước và rõ ràng về kiểm thử phần mềm. Cũng vì ngộ nhận “kiểm thử ai làm chẳng được” nên một số bạn có nền tảng kiến thức kỹ thuật tốt lại không chọn làm tester vì “làm tester nghe không “oách”bằng developer/coder(lập trình viên)” hay vì ngộ nhận là thu nhập của tester không cao. Thực tế thì thu nhập của tester hoàn toàn có thể cạnh tranh với developer/coder.

 5. Theo kinh nghiệm của anh, đâu là những điều một tester cần để phát triển trong nghề nghiệp?

Đầu tiên, bạn phải tự hào là một tester. Điều quan trọng nhất là các bạn phải hiểu được các bạn không chỉ đơn thuần là “tester” mà là các bạn là một kỹ sư kiểm thử phần mềm. Bạn đang tham gia vào một công việc có tính chất sống còn đến dự án, đến sản phẩm. Bạn không trực tiếp góp phần làm nên sản phẩm nhưng bạn đóng góp vào chất lượng chung của sản phẩm. Điều thứ hai là liên tục trau dồi và phát triển kỹ năng: Không có việc gì dễ dàng nếu bạn không có đủ kỹ năng cần thiết để tiến hành việc đó. Kiểm thử phần mềm là một ngành tương đối phức tạp đòi hỏi bạn phải có những kỹ năng cần thiết không những về kỹ thuật công nghệ mà còn kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề. Dĩ nhiên là không ai giỏi hết tất cả các kỹ năng cũng không phải ai cũng tự nhiên giỏi. Do đó, việc trau dồi, học hỏi, phát triển kỹ năng là rất cần thiết để phát triển trong nghề nghiệp nói chung và kiểm thử phần mềm nói riêng. Trải nghiệm những dự án khó, tham gia diễn đàn, hội nghị về kiểm thử phần mềm cũng đều rất hữu ích trong việc trao dồi những kỹ năng về kiểm thử phần mềm. Thứ ba là khả năng thích ứng. Như chúng ta đã biết ngành phát triển phần mềm luôn có nhiều biến động và thay đổi liên tục, không những về mặt công nghệ mà còn mô hình, bản chất của kiểm thử phần mềm. Do đó cách duy nhất để tồn tại và phát triển là khả năng thích ứng của kỹ sư kiểm thử. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh mô hình phát triển phần mềm đang dịch chuyển từ những mô hình phát triển cũ sang mô hình Agile.

Là kỹ sư kiểm thử phần mềm bạn sẽ chuẩn bị tinh thần để viết code, chuẩn bị tinh thần để làm cả kiểm thử thủ công (manual test) và kiểm thử tự động (automation test) và nhiều loại test khác nữa, chuẩn bị để giao tiếp để trình bày về giá trị của công việc bạn làm v.v. Thứ tư là tiếng Anh. Trong kiểm thử phần mềm, giao tiếp đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Đối với các dự án outsource thì việc giao tiếp bằng tiếng Anh gần như là không thể tránh khỏi. Nếu dự án của bạn là dự án nội bộ thì việc trao dồi tiếng Anh cũng sẽ giúp bạn tiếp cận và cập nhật kiến thức về kiểm thử phần mềm tốt hơn. Nếu bạn có ý tưởng tốt, chiến lược tốt, con bug (lỗi) thú vị mà bạn không thể trao đổi với khách hàng vì lí do tiếng Anh thì thật uổng phí.

 6. Những điều mà anh muốn nhắn nhủ với những bạn sắp gia nhập ngành?

Đối với các bạn sắp gia nhập ngành thì việc đầu tiên Thành muốn nhắn nhủ là đừng chọn vì nghe người khác nói ngành này dễ, thu nhập cao vì không việc gì đáng để làm mà dễ cả. Tương tự các bạn cũng nên cân nhắc nếu có trung tâm nào hứa đào tạo trong vài tháng là có thể trở thành tester chuyên nghiệp vì con đường trở thành chuyên gia hay trở nên chuyên nghiệp cần nhiều thời gian và “không có đường tắt”. Về cơ bản thì ngành kiểm thử phần mềm phù hợp với các bạn đam mê công nghệ thông tin, có khả năng suy luận, tò mò , có khả năng quan sát, có những quan điểm độc lập và lạ, sáng tạo, tỉ mỉ. Dĩ nhiên, đây chỉ là một vài trong nhiều đặc điểm để các bạn có thể khởi đầu với công việc kiểm thử, phần còn lại là nỗ lực của các bạn để đạt đến thành công trong ngành.

Leave your comment