Close

Khóa học Chuyển đổi số để nâng cao năng lực hoạt động quản lý trong xu thế phát triển cách mạng công nghiệp 4.0


30/11/2018
Nâng cao năng lực hoạt động hiệu quả trong công tác nghiệp vụ chuyên môn thông qua chuyển đổi điện tử hóa/số hóa tiếp cận Cuộc cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 đóng một vai trò quan trọng trong xu thế phát triển của thời đại công nghệ ngày nay, phục vụ trực tiếp vào công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, tổ chức chính trị – xã hội,trong đó có hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN).

 QNET hân hạnh được lựa chọn để cung cấp khóa đào tạo "Chuyển đổi số để nâng cao năng lực hoạt động quản lý trong xu thế phát triển cách mạng công nghiệp 4.0” dành cho KBNN được tổ chức trong 4 ngày, từ ngày 29/10 đến ngày 01/11/2018 với sự tham gia của hơn 40 học viên là công chức, viên chức thuộc các đơn vị KBNN. Khóa học nhằm trang bị những kiến thức cơ bản, kỹ năng để có thể xác định khuôn khổ và các phương pháp để chuyển đổi sang mô hình vận hành số và các sáng kiến đổi mới giải pháp công nghệ mới của thời đại được áp dụng trong các đơn vị, các tổ chức phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Qua đó thấy được tầm quan trọng, những lợi thế và những yêu cầu phải chuyển mình trước cuộc CMCN 4.0 tác động mạnh mẽ, bao phủ lên tất cả các phương thức hoạt động nghiệp vụ, quản trị vận hành của tất cả các đơn vị, tổ chức và xã hội.

Tham gia khóa đào tạo, các học viên được các chuyên gia trong và ngoài nước có nhiều kinh nghiệm truyền đạt chia sẻ 07 chuyên đề gồm: (1) Kiến thức tổng quan về chuyển đổi số và Cách mạng Công nghiệp 4.0; (2) đánh giá hiện trạng và phương pháp lựa chọn để chuyển đổi sang mô hình vận hành số; (3) chiến lược và phương pháp thiết kế chuyển đổi số; (4) quy trình vận hành cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo mô hình số hóa và kế hoạch triển khai; (5) quản lý quá trình chuyển đổi; (6) nền tảng cho hoạt động chuyển đổi kỹ thuật số; (7) công nghệ bảo mật Blockchain.

Phát biểu trong Lễ Bế giảng, ông Nguyễn Hải Đường – Phó Vụ trưởng – Vụ Thanh tra – Kiểm tra KBNN, cũng là học viên của khóa học cho biết “khi mới tham gia khóa học ông đã nghĩ mình không thuộc đối tượng của khóa đào tạo, nhưng khi đã được tham gia học và kết thúc khóa học thì thực sự rất ngạc nhiên với nội dung kiến thức thu được và điều quan trọng là khóa học tác động làm tư duy thay đổi trước xu thế tác động, ảnh hưởng của CMCN 4.0”.

Các nội dung chuyên đề xoay quanh những ảnh hưởng của CMCN 4.0 đang hình thành và tác động mạnh mẽ tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với các đơn vị, tổ chức. CMCN 4.0 tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đòi hỏi phải có lộ trình chuẩn bị, nắm bắt kịp thời để có những định hướng và giải pháp phù hợp, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng hoạt động đáp ứng yêu cầu của sự phát triển

Cuộc CMCN 4.0 phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học là xu hướng của thời đại trong việc tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất thông qua các công nghệ như mạng xã hội (Social), di động (Mobility), phân tích dữ liệu lớn (Analytics), điện toán đám mây (Cloud), công nghệ Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain)... với khả năng tạo ra một sự đột biến, giúp tăng năng suất, đổi mới phương thức sản xuất và biến đổi hoàn toàn kinh tế - xã hội.

Những tác động tích cực đối với sự phát triển: cuộc CMCN 4.0 góp phần làm thay đổi tư duy và nhận thức của các cơ quan tổ chức, tập đoàn... trong xu thế phát triển trong tương lai. Tác động lên sự nhận thức, tầm quan trọng về sự phát triển, biến đổi của các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Từ đó, giúp các đơn vị, tổ chức đưa ra những định hướng, giải pháp thay đổi phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội.

CMCN 4.0 góp phần thúc đẩy ứng dụng những thành tựu công nghệ hiện đại vào nâng cao hiệu quả quản lý của các đơn vị, tổ chức trên nền tảng là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, trong đó chủ yếu là công nghệ mạng xã hội, di động, dữ liệu lớn, vạn vật kết nối Internet, phân tích và điện toán đám mây, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan hành chính nhà nước đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý.

Tạo điều kiện thuận lợi để bảo đảm tính dân chủ, minh bạch trong hầu hết các hoạt động của các đơn vị, tổ chức. Công nghệ và thiết bị hạ tầng số cho phép việc tương tác hai chiều giữa người dân và Chính phủ trong việc xây dựng thể chế, chính sách, dịch vụ công trực tuyến và hầu hết các dự thảo văn bản pháp luật đều cần lấy ý kiến góp ý của người dân. Người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến, phản biện các dự thảo thể chế, chính sách bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt thông qua mạng Internet rất thuận lợi.

Những thách thức đối với sự phát triển: Thách thức trong việc xây dựng, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, để đảm bảo cho cho sự phát triển hiệu quả, cần phải xây dựng được đội ngũ công chức có tính chuyên nghiệp cao với cơ cấu hợp lý, đặc biệt phải nâng cao trình độ, năng lực để đảm bảo sử dụng tốt các công nghệ hiện đại vào giải quyết công việc. Vì vậy, việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ các đơn vị, tổ chức là tất yếu đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc CMCN 4.0 là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhưng đồng thời cũng là thách thức rất lớn hiện nay.

Dựa trên nền tảng tích hợp nhiều công nghệ hiện đại, cuộc CMCN 4.0 sẽ tác động vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời cũng mang lại năng suất, hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ sự cân bằng của thị trường lao động, thất nghiệp, thay đổi quy trình nghiệp vụ... khi rôbốt thay thế và tự động hóa lên ngôi, số lượng lao động dư thừa tăng lên, tình trạng thất nghiệp trong xã hội tăng, đặc biệt là đối với những người lao động có trình độ thấp.

Xu thế ứng dụng công nghệ Blockchain trong CMCN4.0: Trong thời đại vạn vật kết nối thông qua mạng internet, Blockchain được xem là một công nghệ "chìa khóa" cho chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin tương lai. Vì vậy, Công nghệ Blockchain là một chuỗi các khối liên kết với nhau bằng phương pháp mã hóa. Mỗi khối đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với khối trước đó, kèm theo dữ liệu giao dịch.

Theo ông Triệu Anh Dũng chuyên gia của công ty QNET, hiểu theo một cách đơn giản, blockchain là một sổ cái điện tử, lưu trữ các giao dịch, thỏa thuận, hợp đồng hay bất kỳ dữ liệu gì mà chúng ta cần ghi chép một cách độc lập và xác minh sự tồn tại của nó. Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân tán, các máy tính (thành viên tham gia mạng blockchain) liên tục thực hiện kiểm tra độc lập bằng cách xác minh dữ liệu nhận về theo giao thức ngang hàng và so sánh với chuỗi mã hóa của giao dịch đó mà không cần thông qua một tổ thức trung gian hay qua tiến trình đối chiếu nào.

Các ưu điểm của công nghệ blockchain gồm: Không thể làm giả hay can thiệp, không thể phá hủy, không thể sửa đổi dữ liệu, bảo mật dữ liệu và chống từ chối, minh bạch và chia sẻ dữ liệu.

Blockchain có những mức độ ứng dụng sau: Ứng dụng trong tiền kỹ thuật số (cryptocurrency) như Bitcoin, Litecoin, Namecoin, Peercoin...; hợp đồng thông minh (Ethereum); ứng dụng phân tán trong các lĩnh vực như: Chính phủ (bầu cử, cấp visa...), tài chính ngân hàng, chuỗi cung ứng bán lẻ, y tế , giao thông... Trong thời đại CMCN 4.0, blockchain là công nghệ đột phá, cùng với các công nghệ IOT và AI mang lại những ứng dụng vô cùng hiệu quả đối với các Chính phủ cũng như các đơn vị, tổ chức, tập đoàn trên thế giới.

Bên cạnh đó, khóa học“Chuyển đổi số để nâng cao năng lực hoạt động quản lý trong xu thế phát triển cách mạng công nghiệp 4.0” cũng chỉ ra nhiều thách thức mới đối với tất các các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, đòi hỏi nguồn nhân lực nói chung và cán bộ, công chức KBNN nói riêng không ngừng nỗ lực cập nhật kiến thức, tích cực rèn luyện, nâng cao năng lực trong việc tiếp cận những công nghệ, giải pháp mới, áp dụng có hiệu quả trong việc thực thi nhiệm vụ, triển khai thực hiện các đề án cơ chế chính sách, vụ phục vụ chiến lược phát triển của hệ thống KBNN trong thời gian tới./.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất: Bắt đầu vào khoảng năm 1784. Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất này là việc sử dụng năng lượng nước, hơi nước và cơ giới hóa sản xuất.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2: Diễn ra từ khoảng năm 1870 đến khi Thế Chiến I nổ ra. Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần này là việc sử dụng năng lượng điện và sự ra đời của các dây chuyền sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3: Xuất hiện vào khoảng từ 1969, với sự ra đời và lan tỏa của công nghệ thông tin, sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất.

theo Cổng thông tin KBNN

Leave your comment